Diện Chẩn Là Gì

                     Diện Chẩn – Điều Khiển Liệu Pháp Là Gì ?

Diện Chẩn là một phương pháp hỗ trợ sức khỏe không dùng thuốc của Việt Nam.
Tên đầy đủ của phương pháp là “Diện Chẩn – Điều khiển Liệu pháp”, được dịch từng chữ ra tiếng Anh là “Face Diagnosis and Cybernetic Therapy”. Tuy nhiên, cách gọi này không được dùng phổ biến bằng: Multi-reflexology (Phản xạ học đa hệ), Facial Reflexology (Phản xạ học vùng mặt), Vietnamese Reflexology (Phản xạ học Việt Nam), hoặc dùng luôn tiếng Việt không dấu là “Dien Chan”.
Trong tiếng Việt, ta cần phân biệt Diện Chẩn với Vọng chẩn. “Chẩn” là chẩn đoán, xem xét các triệu chứng lâm sàng. Vọng chẩn là xem bệnh thông qua quan sát hình thể, là một trong Tứ chẩn của Đông y, gồm: Vọng (nhìn) – Văn (nghe và ngửi) – Vấn (hỏi) – Thiết (xem mạch và sờ nắn). Về mặt ngôn từ, Diện Chẩn có thế được hiểu nôm na là xem mặt đoán bệnh và rất dễ nhầm nó thành một phần của Vọng chẩn. Trên thực tế thì Diện Chẩn đã trở thành một danh xưng riêng để chỉ đến một phương pháp hỗ trợ sức khỏe mới của Việt Nam – phương pháp Phản xạ học đa hệ.
Trong lĩnh vực phản xạ thần kinh, trước kia thế giới có Xoa bóp bàn chân (Food Massage) và Nhĩ châm (Auricular Acupuncture), thì nay có thêm Su Jok (Châm cứu trên tay và chân) của người Hàn Quốc và Diện Chẩn (với cái tên ban đầu là Diện châm – châm cứu trên mặt) của người Việt Nam. Diện Chẩn được biết đến với cái tên Phản xạ học đa hệ vì nó có các đồ hình phản chiếu thần kinh đa hệ của nội tạng và ngoại vi: trên mặt, trên lòng bàn tay, lòng bàn chân, lưng, bụng, và cả trên tai nữa.
Về mặt hình thức, ta có thể so sánh Diện Chẩn với Châm cứu như sau: Châm cứu là dùng kim để châm vào các huyệt đạo của hệ kinh lạc và dùng ngải cứu để hơ nóng, còn Diện Chẩn dùng que dò để day ấn vào các sinh huyệt là các điểm nhạy cảm trên da nằm trong các vùng phản xạ thần kinh rồi cũng dùng ngải cứu để hơ nóng.
Ngoài day và cứu các sinh huyệt, Diện Chẩn còn dùng các dụng cụ có hình dạng và kích thước khác nhau để lăn, hơ, gõ, cào vào các vùng theo đồ hình phản chiếu hoặc đồ hình đồng ứng. Các tác động của Diện Chẩn theo đồ hình và sinh huyệt này sẽ tạo ra các cảm giác đau, tức, buốt, tê, rát, nóng khác nhau, giúp kích hoạt các cơ chế tự chữa bệnh của cơ thể.



Thầy Bùi Quốc Châu, ông tổ của Diện Chẩn, tại Hội thảo Quốc tế về Diện Chẩn tại Paris năm 2009. Ngày 26/3/1980, ngày thầy tìm ra huyệt số 1 trên mũi, được lấy làm ngày ra đời của Diện Chẩn.
Cơ thể của chúng ta là một bộ máy rất kỳ diệu, nó có các cơ chế tự động giúp chúng ta thích nghi với môi trường và hóa giải các tác nhân gây bệnh. Diện Chẩn là một phương pháp có khả năng giúp nâng cao sức đề kháng và khả năng miễn dịch, giúp khai thông các tắc nghẽn và thúc đẩy các tiến trình cân bằng, giúp ta có được một trạng thái nhẹ nhõm và dễ chịu. Chính vì thế, Diện Chẩn có thể hỗ trợ cho việc điều trị các loại bệnh tật, từ giảm đau nhức bên ngoài đến phục hồi chức năng bên trong.
Diện Chẩn là một phương pháp ít tốn kém và gần như không có tác dụng phụ, nên mọi người có thể dùng nó để tự phòng và chữa bệnh trong gia đình, giảm thiểu sự lệ thuộc vào thuốc men, bác sĩ và bệnh viện. Phương pháp này vừa dễ học, dễ làm, vừa có hiệu quả cao, nên nó được mọi người tin dùng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.
Đặc biệt, Diện Chẩn mang trong nó dấu ấn của chữa mẹo, một số nét văn hóa dân gian của Việt Nam, và đặc biệt là ngôn ngữ Việt, vì ta có thể tác động vào bộ phận mà khi đọc lên có âm (bằng tiếng Việt) giống với cơ quan bị bệnh để hỗ trợ điều trị, chẳng hạn: lăn hơ dái tai giúp hỗ trợ điều trị các bệnh ở bộ phận sinh dục nam; lăn hơ sống mũi, sống tai, sống tay, sống chân giúp làm giảm đau ở sống lưng; ấn vào đầu ngón tay, đầu ngón chân, xoa đầu gối giúp làm giảm đau nhức ở đầu,

Chính vì nét văn hóa đặc sắc này mà Diện Chẩn đang được Trung tâm UNESCO hỗ trợ sức khỏe cộng đồng triển khai nghiên cứu và ứng dụng. Diện Chẩn cùng với các phương pháp hỗ trợ sức khỏe không dùng thuốc khác thực sự đang góp phần làm giảm gánh nặng cho các cơ sở y tế và giảm bớt chi phí chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét